Chùa Bà Hải Nam hay Hội quán Quỳnh Phủ là tên
gọi hội quán của người Hoa Hải Nam sinh sống ở khu vực Chợ Lớn, Quận 5.
Theo nội dung ghi trên bia đá thì hội
quán đã được xây dựng vào năm 1824 tại vùng đất “sơn thanh thủy tú” nơi “thuyền
xe tấp nập, hàng hóa lưu thông”. Qua sáu lần trùng tu, hội quán mới có được qui
mô như ngày nay.
Hội quán được xây dựng theo kiểu nhà
“tứ hợp diện”với bốn dãy nhà vuông góc nhau và hướng vào sân thiên tỉnh ở chính
giữa.
Dãy nhà tiền điện được thiết kế thành
hai mặt, một mặt hướng ra sân hội quán và một mặt hướng vào thiên tỉnh. Tiếp
sau tiền điện là trung điện và chính điện. Trung điện là nơi làm việc và tiếp
khách của Ban Quản trị. Các bàn thờ tập trung ở chính điện. Ngoài án thờ Thiên
Hậu Thánh Mẫu còn có các án thờ Văn Xương Đế Quân, Phúc Đức Chính Thần, Tài Bạch
Tinh Quân, Hoa Quang, Ngũ Thổ Long Thần và Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần. Đặc biệt,
có các vị thần chỉ riêng thờ ở hội quán Quỳnh Phủ là Thủy Vĩ Nương Nương và Ý Mỹ
Nương Nương (hai vị nữ thần bảo hộ người đi biển) và 108 thương nhân Hải Nam,
sau khi gặp nạn trên biển đã rất hiển linh, được vua Tự Đức ban sắc phong vào
năm 1851 và vua Duy Tân ban sắc phong vào năm 1922.
Nét nổi bật ở hội quán Quỳnh Phủ là nghệ thuật đúc đồng, thể hiện qua bộ
lư hương được đúc vào năm Quang Tự thứ 19 (1893) và một bộ ngũ sự đúc vào năm
Quang Tự thứ 33 (1907). Bộ lư hương gồm một lư hương cao 0,7m, đường kính miệng
lư rộng 0,9m và hai tượng hươu cao 1m, miệng ngậm giá nến, hoa mai trên thân
hươu và đầu lân trên tay quai được tạo dáng sinh động, sắc sảo. Bộ ngũ sự gồm một
đỉnh trầm chân vạc đúc nổi hình “Bát tiên thượng kỳ thú”(tám vị tiên cưỡi trên
tám con thú quí), lưỡng long tranh châu (hai con rồng tranh viên ngọc) và hai độc
bình, hai chân nến cũng được đúc nổi lưỡng long tranh châu trên nền mây, lửa.
Kỹ thuật chạm khắc gỗ ở hội quán cũng
đạt giá trị nghệ thuật cao, thể hiện trên các bao lam khám thờ, bao lam cửa,
hương án, liễn đối, hoành phi… Bằng kỹ thuật chạm bong, chạm nổi, chạm lộng hoặc
kết hợp chạm lộng với chạm nổi, các nghệ nhân đã tạo ra những phù điêu án thờ với
hàng chục nhân vật hay những bao lam chạm cả hai mặt công phu, những khám thờ
nhiều lớp bao lam…với những mô-tip Thập bát La hán, long lân qui phụng, trích
đoạn truyện Phong Thần hay những con vật quen thuộc với đời thường như bầy cá
quẫy đuôi, con cua đang kẹp râu con tôm trong bãi cỏ, dây bầu trĩu quả… Những tấm
liễn gỗ cao hơn 3 mét, rộng hơn 4 tấc được uốn cong theo thân cột cũng là những
tác phẩm nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật chạm chìm, chạm nổi. Đáng chú ý là một
bộ gồm sáu tấm tranh sơn ta được làm vào năm 1963, tóm tắt truyện thơ Lục Vân
Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Cạnh mỗi tranh vẽ là sáu câu thơ thể hiện nội
dung bức tranh. Bộ tranh này cùng với bức bình phong bằng đá vân đen do vua Tự
Đức ban tặng và sắc phong của vua Duy Tân thể hiện sự giao lưu, hội nhập giữa cộng
đồng Hải Nam và cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hội quán Quỳnh Phủ đã được Bộ Văn
hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định
số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.