Hội
quán Nhị Phủ hay miếu Nhị Phủ vốn là một ngôi miếu do người Hoa có gốc gác ở
hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu, tỉnh Phước Kiến xây dựng vào khoảng nửa cuối
thế kỷ 18 để thờ Bổn Đầu Công.
Từ năm 1871, khi chính quyền thuộc địa
thay đổi chính sách, quản lý người Hoa ở Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ chứ không
theo nguyên quán, miếu Nhị Phủ trở thành hội quán của người Phước Kiến.
Bổn Đầu Công hay Đại Bá Công là vị thần bảo hộ
đất đai, thường được thờ bằng bài vị ghi chữ “Phúc Đức Chính Thần”. Hai phụ tá
của ông là Bạch Vương và Hắc Vương chia nhau đảm trách công việc ban ngày và
ban đêm. Nhà nghiên cứu Lý Văn Hùng(1) cho rằng Bổn Đầu Công thờ ở hội
quán Nhị Phủ là Châu Đạt Quan, một quan chức thời nhà Nguyên, Trung Hoa, từng
đi sứ đến nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, hội quán Nhị
Phủ còn thờ Quảng Trạch Tôn Vương, Thần Thái Tuế, Bà Chúa Sinh (Kim Hoa Nương
Nương), Quan Đế, Ngọc Hoàng. Phật Thích Ca, Quan Âm Bồ Tát.
Từ khi xây dựng đến nay, hội quán đã có ba lần trùng tu lớn
vào những năm 1875, 1901 và 1990. Dù vậy, hội quán vẫn giữ được nét cổ kính thể
hiện qua phong cách kiến trúc và trang trí truyền thống của người Hoa Phước Kiến.
Mặt băng tổng thể của hội quán gồm có sân trước, tiền điện, thiên tỉnh, chính điện,
sân sau và hậu điện. Dọc hai bên là hai dãy nhà được xây hướng vào các điện thờ.
Mỗi điện thờ là một tòa nhà ba gian, mái lợp ngói ống. Cấu trúc vì kèo theo kiểu
“chồng rường giá chiêng” khiến mái ngói hơi cong lại thêm phần mái gian giữa
cao hơn phần mái hai gian bên và các đầu đao, đầu đỉnh mái cong vút làm cho hội
quán giống như một chiếc thuyền rồng. Hội quán có kết cấu khá đồ sộ với những
vòm cửa bằng đá, những hàng cột gỗ to, có cột cao đến 7 mét, được kê trên những
chân đế bằng đá chạm trổ tỉ mỉ. Trên cột treo những tấm liễn gỗ hình lòng máng khớp
với thân cột. Hoành phi cũng được treo ở nhiều nơi. Có tất cả 14 cặp liễn và 30 hoành
phi, phần lớn được làm từ năm 1864 đến năm 1901, có nội dung ca ngợi thần thánh
và có giá trị cao về nghệ thuật chạm khắc gỗ. Các khám thờ, đại hồng chung, tượng
kỳ lân bằng đá… là những cổ vật có giá trị nghệ thuật của hội quán…

Trang trí ở góc mái Hội quán Nhị Phủ
Khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19,
hội quán Nhị Phủ là một trong những cảnh chùa nổi tiếng được nhắc đến trong bài
phú “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh”:
Coi chùa ông Bổn Đầu
Cân
Dám quên chữ ngọn rau
tấc đất
Hơn hai trăm năm qua, điện thờ ông Bổn
vẫn luôn nghi ngút khói hương của thiện nam tín nữ bày tỏ lòng thành tạ ơn vị
thần đã ban cho sự bình yên, thịnh vượng.
Ngày 25 tháng 4 năm 1998, Bộ Văn hóa -
Thông tin đã ban hành Quyết định số 722/QĐ-BVHTT xếp hạng hội quán Nhị Phủ là
di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
(1) Lý Văn Hùng, Gia Định thành Phật tích khảo cổ, bản chữ Hoa, bản chữ Hoa,
lưu trữ ở hội quán Nhị Phủ.