Khu di tích địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, khoảng năm 1948, đầu tiên tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ những năm 1961, sau khi chọn Củ Chi làm căn cứ của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi tiếp nối phát triển

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐẠO CỦ CHI
Xã Nhuận Đức, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh

Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, khoảng năm 1948, đầu tiên tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ những năm 1961, sau khi chọn Củ Chi làm căn cứ của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi tiếp nối phát triển thành hệ thống địa đạo hoàn chỉnh ở các xã phía Bắc thuộc Vùng Giải phóng Củ Chi. Đặc biệt tại xã Phú Mỹ Hưng và Nhuận Đức, địa đạo được xây dựng kiên cố thành hệ thống đường hầm vững chắc. Địa đạo Củ Chi có đường xương sống đi khắp các làng, xã, cùng với hệ thống bãi tử địa, hầm chông, bom mìn, ụ ổ chiến đấu, kết hợp với hệ thống “vành đai diệt Mỹ”… tạo thế trận liên hoàn, hiểm hóc, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, được đánh giá là công trình đánh giặc vĩ đại và độc đáo của Việt Nam.

Trong điều kiện hiện nay, Địa đạo Củ Chi được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, bao gồm Địa đạo Bến Dược (Căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định (Khu A), Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Khu B) và Địa đạo Bến Đình (Căn cứ Huyện ủy Củ Chi).

dia dao cu chi 02

Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi bao gồm các công trình phục dựng, tôn tạo và xây dựng mới, nhằm phục vụ giáo dục truyền thống và tham quan du lịch, được chia làm hai khu vực bảo vệ. Khu vực bảo vệ I gồm:

1. Căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định - Khu A được bao quát bởi hai tuyến tham quan, bao gồm đường đi trong khu di tích, các đường địa đạo liên thông với các hầm tạo thành cụm công trình, trong đó, một số công trình chính gồm:

    - Các Hội trường; Hầm chông; Hào chiến đấu; Hầm họp Chính ủy có hai lối lên xuống; Ổ chiến đấu có một lối lên xuống và hai lối thông với các đường địa đạo, các nắp hầm; Lỗ thông hơi; Hầm họp; Hầm quân y; Bếp Hoàng Cầm; Hầm may quân trang; Hầm công binh xưởng; Nhà làm dép râu; Phòng trưng bày vũ khí tự tạo, trưng bày các loại bom, pháo, chông,… tự tạo; Hố bom; Nhà trưng bày vũ khí tự tạo có kích thước; Khu nhà bán hàng lưu niệm; Trạm y tế; Nhà viết sổ lưu niệm. Đặc biệt giếng nước dưới địa đạo là một nét độc đáo hiếm có: Đường kính miệng giếng có kích thước 0,8m. Hầm có kích thước 4m x 2,1m. Từ hầm này có hai lối địa đạo thông với lối lên xuống và một nắp hầm bí mật thông với địa đạo, qua hầm họp Chính ủy

    - Hầm họp Bộ Tư lệnh có ba lối địa đạo, thông qua phòng Chính ủy, phòng Phó Chính ủy, và các đoạn địa đạo dẫn đến các lối lên xuống. Hầm làm việc và hầm nghỉ của Tư lệnh gồm hai hầm thông nhau có kích thước là 3,7m x 2,6m và 4,2m x 2,5m. Từ đây có các đường địa đạo thông với các Hầm chữ A, Hầm thư ký. Hầm chữ A có kích thước 2,3m x 2,2m. 

dia dao cu chi

2. Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Khu B) bao gồm đường đi trong khu di tích, các đường địa đạo liên thông với các hầm, hào, hố bom,… tạo thành cụm công trình.

3. Địa đạo Bến Đình nằm dọc theo hai bên đường Tỉnh lộ 15, được đầu tư và xây dựng mới một đường hầm đi bộ bên dưới, ngang qua Tỉnh lộ 15 để phục vụ cho việc di chuyển, tham quan của du khách được thuận lợi và an toàn, góp phần phát huy hiệu quả của di tích.

Khu vực bảo vệ II gồm Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, Đền tưởng niệm Khu Truyền thống Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia định, Khu tái hiện Vùng Giải phóng.

dia dao cu chi 03

1. Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược khởi công xây dựng năm 1993, khánh thành năm 1995, gồm: Hoa viên, cổng tam quan, Nhà Văn bia, Đền thờ và ngôi tháp. Tầng hầm trưng bày các tác phẩm điêu khắc, đúc đồng, tranh vẽ, sa bàn,… thể hiện những sự kiện tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. 

2. Đền tưởng niệm Khu Truyền thống Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia định khởi công năm 2010, khánh thành năm 2015. Đền bao gồm các công trình chính: Hoa viên, cổng, cầu đá, khu hồ sen, Nhà Văn bia và Đền thờ.

3. Khu tái hiện vùng giải phóng rộng tái hiện quan cảnh Vùng Giải phóng Củ Chi từ sau ngày Đồng Khởi năm 1961 đến năm 1974, gồm: Cổng chào của một xã trong vùng giải phóng; Cách đào địa đạo; Trạm giao liên; Điểm đăng ký tòng quân; Nhà trung nông, Chợ Vùng Giải phóng;… Hai trận càn Crimp và Cedar Falls đều được yểm trợ bởi các đợt ném bom, bắn pháo dữ dội vào vùng căn cứ và được yểm trợ bởi xe tăng, xe bọc thép, xe ủi; Nhà trưng bày “Trận đánh tại Ngã ba Cây Gõ” ngày 08/01/1966; Chế tạo mìn từ trái bom pháo lép; Vành đai diệt Mỹ,… Vùng trắng Củ Chi,… 

Hệ thống Địa đạo Củ Chi đã cho thấy nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy về xây dựng, chiến đấu và bám trụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt của chiến trường Sài Gòn - Gia Định; đặc biệt là nghệ thuật chiến đấu tổng hợp của các thứ quân, biết lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít thắng nhiều, thấy thô sơ thắng hiện đại… Hay nói một cách khác, chính cuộc chiến đấu từ lòng đất Củ Chi đã nâng nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên một tầm cao mới

dia dao cu chi 05


dia dao cu chi 05