Năm 1910, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh - Phan Thiết vào Sài Gòn (ngày 19 tháng 9 năm 1910). Người được cán bộ của Liên Thành thương quán là ông Trương Gia Mô (bạn thân của ông Nguyễn Sinh Huy, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) và ông Hồ Tá Bang giúp đỡ đưa về ở tại căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm. Đây là một trong những cơ sở của Liên Thành thương quán, một tổ chức hoạt động cách mạng rất có uy tín tại Sài Gòn để sinh sống và chuẩn bị cho việc ra đi tìm đường cứu nước.

Từ căn nhà này, Nguyễn Tất Thành vừa đi dạy học vừa đi làm và học nghề ở trường thợ máy École
des Mécaniciens, có lúc đi bán báo ở khu vực thương cảng Sài Gòn để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành quen một số người Việt làm ở hãng Năm Sao (hãng tàu Năm Sao thường chạy tuyến hàng hải Sài Gòn - Đà Nẵng, Colombo và một số cảng của Pháp) như Nguyễn Văn Hùm, Bùi Văn Viên… Được biết hãng này đang tuyển “bồi”, Nguyễn Tất Thành và một số người Việt Nam đã đến xin việc và được hãng thu nhận.
Ngày 4 tháng 6 năm
1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba
(do các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá
Bang và Trần Lê Chất giúp đỡ và đổi tên là Văn Ba trước khi vào Sài Gòn) đã rời cơ sở Liên Thành thương quán xuống
con tàu của Pháp mang tên Amiral Latouche Treville. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, con tàu rời bến cảng Nhà Rồng - Sài Gòn đưa theo Văn Ba
(Nguyễn Tất Thành) bắt đầu xa quê hương Việt
Nam ra đi tìm đường cứu nước.
Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin và đã tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Người đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân Việt
Nam làm Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, lập nên Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Suốt cả cuộc đời, Người đã vì nước, vì dân. Tư tưởng và đạo đức của Người luôn tỏa sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội - Chủ nghĩa cộng sản.
Căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm có giá trị lịch sử - là nơi ghi dấu một giai đoạn rất quan trọng trong bước đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, có một khu trưng bày những hình ảnh về Công ty Liên Thành và hình ảnh Sài Gòn thời kỳ
1910 - 1911.
Với ý nghĩa lịch sử ấy, căn nhà này được Bộ Văn hóa xếp hạng là di
tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số
1288-VH/QĐ ngày 16
tháng 11 năm 1988.