Lò gốm Hưng Lợi

Dấu tích của xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa đến nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi nằm ven kênh Ruột Ngựa. Di tích là gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu... Cuộc khai quật năm 1997 - 1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 3 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ố

LÒ GỐM CỔ HƯNG LỢI
Phường 16, Quận 8

Dấu tích của xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa đến nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi nằm ven kênh Ruột Ngựa. Di tích là gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu... Cuộc khai quật năm 1997 - 1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 3 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm. Các đoạn vách lò còn lại được xây bằng loại gạch lớn chảy men dày, lòng lò chứa đầy mảnh sản phẩm mà qua đó có thể nhận biết một số loại sản phẩm đặc trưng của lò Hưng Lợi. Ba lò gốm này sản xuất nối tiếp nhau trong một thời gian khá dài nhưng có thể không liên tục vì lò gốm của giai đoạn sau được xây trên một phần lò cũ hoặc sửa chữa gia cố lại lò cũ.

Giai đoạn đầu khu lò này chủ yếu sản xuất lu chứa nước bằng chất liệu sành nâu. Lò sản xuất lu đựng nước có niên đại sớm nhất ở khu lò này, khoảng nửa sau thế kỷ 18. 

Giai đoạn thứ hai khu lò này sản xuất các loại sản phẩm gốm và sành men nâu, men vàng hoặc không men. Đó là hũ, khạp, hộp, siêu, nồi có tay cầm… dưới đáy có in 3 chữ Hán “Hưng Lợi diêu” (lò Hưng Lợi). Bên cạnh đó là các kiểu chậu bông hình tròn hay lục giác, bát giác phủ men xanh lam hay xanh đồng - màu men đặc trưng của “gốm Sài Gòn”. 

Giai đoạn thứ 3 ở đây sản xuất gốm sứ, gồm các loại chén, tô, đĩa, ly, cốc, muỗng, ấm trà, lư hương… men trắng hoa văn men xanh và men nhiều màu, chai men trắng ngà… Sản phẩm làm bằng bàn xoay, có nhiều loại bao nung cho một hay nhiều sản phẩm. Các loại đồ gốm gia dụng tuy đơn giản về kiểu dáng nhưng có nhiều kích thước khác nhau, theo thời gian có sự khác biệt nhỏ ở chi tiết tạo dáng hay hoa văn. Dựa vào loại hình sản phẩm và tính chất sản xuất nói trên có thể thấy lò gốm này có niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ 20.

Tuy có ba giai đoạn với những loại sản phẩm đặc trưng cho từng giai đoạn nhưng kỹ thuật sản xuất ở khu lò cổ này khá thống nhất: cấu trúc lò gốm (loại lò ống - lò tàu), kỹ thuật tạo dáng (bàn xoay, in khuôn), hoa văn, phương pháp chồng lò và nung gốm, sản phẩm của hai giai đoạn đầu (lu, khạp, siêu, nồi có tay cầm…) đều mang đậm dấu ấn kỹ thuật làm gốm của người Hoa. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nguồn gốc của nghề làm gốm mang tính chất sản xuất hàng hóa ở Gia Định - Đồng Nai là sự kết hợp nghề gốm của lưu dân người Việt với truyền thống kỹ thuật sản xuất gốm của người Hoa. Các phường thợ làm gốm của người Hoa thường gồm những người “đồng hương” và chuyên sản xuất một vài loại sản phẩm: người Hẹ chuyên làm lu, khạp, hũ men nâu và men vàng (men da lươn, da bò); người Tiều (Triều Châu) chuyên làm đồ “bỏ bạch” (không men) như siêu, nồi có tay cầm… người Quảng Đông chuyên làm chén, đĩa có men trắng hay men nhiều màu… 

Di tích lò gốm cổ Hưng Lợi là một trong hai di tích khảo cổ của thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích khảo cổ quốc gia theo Quyết định số 722/QĐ/ BVHTT ngày 25 tháng 4 năm 1998. 


Lò gốm hưng lợi