Cách nay 71 năm, năm 1938, tại một căn nhà phố trên đường Hamelin Sài Gòn (số 43 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1 hiện nay) báo Dân Chúng ra đời. Ngôi nhà làm trụ sở của báo có chiều rộng 8m, chiều sâu 23,6m, nền lát gạch, mái lợp ngói âm dương. Trong nhà, phía sau có gác gỗ.
Hai Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương – Hà Huy Tập và sau đó Nguyễn Văn Cừ - lần lượt chỉ đạo nội dung báo Dân Chúng tại Sài Gòn. Ban Biên tập báo gồm 7 đồng chí: Lê Văn Kiệt, Trần Văn Kiết, Bùi Văn Thủ, Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Văn Thanh, Hoàng Hoa Cương, Nguyễn Văn Trấn (theo Từ điển báo chí VietNam, t.134). Ngày 22 tháng 7 năm 1938, tờ Dân Chúng ra số đầu tiên tại trụ sở nói trên, phát hành miễn phí cho công chúng. Nội dung số báo đầu tiên đã thu hút sự chú ý và quan tâm của đông đảo các giới chức cùng quần chúng nhân dân Sài Gòn và vùng phụ cận.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Hà Huy Tập
Ngoài mục đích tôn chỉ là: “Dân Chúng nguyện làm cơ quan chung cho tất cả những ai muốn cho xứ Đông Dương khỏi phải chìm đắm trong vòng tối tăm cùng khổ”; báo còn đưa những tin tức nóng hổi về “đêm trước” của chiến tranh thế giới thứ II. Từ các số tiếp theo đến số 80, sự mến mộ của độc giả dành cho báo Dân Chúng thể hiện qua số lượng báo phát hành ngày một tăng, từ 2000 bản một số lên 4000 bản rồi 10000 bản, cao nhất là số báo xuân Kỷ Mão 1939 đã phát hành tới 15000 bản và được xếp vào tốp đầu về số lượng phát hành so với các tờ khác đương thời. Báo Dân Chúng có vinh dự đăng bài (bài đầu tiên của Bác đăng trên báo L’Anram những năm 20) của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc đó còn ở nước ngoài) viết cho báo trong nước trong thời kỳ vận động dân chủ.
Nội dung chính của báo Dân Chúng thường xuyên đăng là: Tuyên truyền lý luận, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương; Cổ động, tổ chức quần chúng tham gia đấu tranh thực hiện các khẩu hiện dân chủ và chống chiến tranh; Cổ vũ cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp, ủng hộ Liên Bang Xô Viết trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Ngày 7 tháng 9 năm 1939, thực dân Pháp ở Nam Kỳ ra lệnh đóng cửa tờ báo, tịch thu toàn bộ tài sản, truy bắt Ban biên tập. Ra đời và tồn tại hơn một năm, báo Dân Chúng đã thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử: Là diễn đàn tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng đến với công chúng trong và ngoài nước; Giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận, góp phần làm phong phú ngôn ngữ tiếng Việt, đóng góp những trang rực rỡ trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trụ sở báo Dân Chúng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 1288/VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.