Hội quán Lệ Châu được
xây dựng từ năm 1892, hoàn thành năm 1896, do một số chủ lò thợ bạc có uy tín ở
Chợ Lớn vận động quyên góp từ các lò thợ bạc trong vùng và khắp các tỉnh miền
Đông, miền Tây Nam Bộ để mua một khu đất ở đường Thủy Bình (Rue des Marins, nay
là đường Trần Hưng Đạo B) và xây dựng lên nhà thờ tổ thợ bạc để nhớ ơn tổ nghiệp.
Vị tổ sư họ Trần (không rõ tên) nguyên
là thợ bạc giỏi, học trò của hai vị cao tổ nghề kim hoàn Việt Nam là Cao Đình Hộ
(1743-1819, được vua Gia Long phong hiệu “Đệ nhất tổ sư” năm 1810) và Cao Đình
Hương (1773-1821, được vua Minh Mạng phong “Đệ nhị tổ sư” năm 1821).
Nhà thờ tổ thợ bạc đã trải qua nhiều đợt
trùng tu lớn vào các năm 1920, 1934, 1946, 1968. Lần trùng tu lớn nhất là tháng
8 năm 1968, xây cất lại toàn bộ nghĩa từ, sửa chữa chính điện do bị bom đạn làm
hư hại nghiêm trọng.
Chính điện được xây theo kết cấu ba
gian dọc, có hai hàng cột chạy dài từ ngoài vào trong, tường gạch tô, mái lợp
ngói âm dương. Mặt tường chính của chính điện đặt ba khám thờ với các chữ lớn:
“Tổ Sư” (ở giữa), “Tiền Hiền” (bên phải), “Hậu Hiền” (bên trái), trang trí bằng
những bao lam chạm trổ rồng, phụng, hoa, điểu… Các hàng cột từ ngoài vào trong
có treo 6 cặp câu đối, 9 bức hoành phi nội dung tập trung vào chủ đề nhớ ơn tổ
nghiệp, ca ngợi sự phát triển thành đạt của nghề thợ bạc, được sơn son thếp
vàng chất lượng tốt nên còn đẹp và rõ nét.

Chính điện Hội quán Lệ Châu
Các hiện vật trong nhà thờ tổ khá độc
đáo: 1 cái trống lớn, chiều cao 1,1 m làm từ một thân cây khoét rỗng; 1 quả
chuông đồng do thợ Hà Nội đúc năm Ất Mùi (1895) (có ghi rõ họ tên 14 thợ bạc phụng
cúng); 4 tấm bia đá khắc tên họ những thợ bạc khắp Nam Kỳ lục tỉnh đóng góp xây
nhà thờ tổ.
Lễ giỗ tổ thợ bạc tại hội quán Lệ Châu
được tổ chức từ mùng 7 đến mùng 8 tháng 2 (âm lịch). Lễ vật cúng tổ gồm một con
heo đồ (heo trắng không quay), hai con vịt trắng. Lễ chánh tế (tế tổ) bắt đầu
lúc 22 giờ mùng 7 tháng hai (ngày mất của “Đệ nhị tổ sư” Cao Đình Hương), do thầy
lễ và trò lễ đảm nhận. Lễ tế bắt đầu bằng 3 tuần rượu, đến tế ẩm thực (cơm, thịt
kho…), tế quả phẩm, tế trà và kết thúc là thủ tục đốt sớ.
Không chỉ là nơi thờ cúng những người
hành nghề kim hoàn, hội quán Lệ Châu còn có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu
tranh giải phóng dân tộc. Hội quán từ là trụ sở của Nghiệp đoàn thợ bạc cứu quốc,
là cơ sở của Ban kinh tài cho kháng chiến, là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Hội quán Lệ Châu được Bộ Văn hóa -
Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia số 1811/1998/QĐ-
BVHTT ngày 31 tháng 8 năm 1998.