Hội quán Nghĩa Nhuận vốn là đình làng Tân Nhuận, một ngôi làng đã được thành lập từ đầu thế kỷ 19. Theo Ban Quản trị hội quán Nghĩa Nhuận, Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh thờ ở đình đã được vua Tự Đức ban tặng sắc phong vào năm Tự Đức thứ năm (1852). Từ năm 1872, đình Nghĩa Nhuận trở thành hội quán của hội Nghĩa Nhuận. Sự thờ cúng cũng thay đổi: Quan Thánh Đế Quân (gọi tắt là Quan Đế) được thờ ở trung tâm chính điện, Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh thờ ở gian bên trái, Thiên Hậu thờ ở gian bên phải.Vì vậy, hội quán còn được gọi là chùa Quan Đế. Ngoài ra, còn có các án thờ Thái Tuế, Thần Tài, Khổng Tử, Phật Di Lặc, Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Vi Đà Hộ Pháp, Vương Đại Thiên Quân, Tả Thần Môn, Hữu Thần Môn, Ngựa Xích Thố, Chiến sĩ trận vong. Theo Vương Hồng Sển, hội quán hiện nay được xây dựng vào năm 1872 và trùng tu vào các năm 1879,1894.1906,1911(1).
Được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 3000m2, mặt bằng tổng thể của Hội quán Nghĩa Nhuận gồm khoảng sân trước, tiền điện, sân thiên tỉnh, chính điện, sân sau, nghĩa từ (điện thờ tổ tiên, tổ nghề) và khu nhà phụ. Mái các điện thờ và nghĩa từ được lợp ngói âm dương tiểu đại (ngói ống).


Đỉnh trầm bằng đồng chạm lân, rồng
Bộ khung chịu lực của gian tiền điện bằng cột đá và cột gỗ đỡ lấy bộ vì kèo kẻ chuyền. Chính điện có bộ khung cột gỗ, vì kèo giả thủ (hình dáng tương tự ngón tay). Các cột đều được kê
trên chân tảng bằng đá chạm trổ tinh xảo.
Ngoài giá trị kiến trúc cổ, nét nổi bật của đình Nghĩa Nhuận là nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Nam Bộ nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Hầu như có thể nhìn thấy các tác phẩm chạm khắc gỗ ở khắp nơi trong hội quán: trên tất cả các vì kèo, bao lam cửa, bao lam khám thờ, hương án, liễn đối…với các mô-tip mới lạ như trái đào lộn hột, măng cụt, chim đậu trên chùm mận… bên cạnh các đề tài quen thuộc long, lân, qui, phụng; mai, lan, cúc trúc…
Nghệ thuật chạm khắc đá ở hội quán cũng được thể hiện đặc sắc qua hai cột đá chạm rồng trước hiên hội quán, cặp sư tử chầu hai bên cửa, các cột đá chạm nổi câu đối, chân tảng kê cột hình bát giác chạm nổi hoa mai, cây
trúc, bầu rượu, túi thơ…
Ngày 7 tháng 1 năm 1993, Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định số 43-VH/QĐ xếp hạng hội quán Nghĩa Nhuận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
(1) Vương Hồng Sển-Sài Gòn năm xưa, Nhà sách Khai Trí Sài Gòn 1961, tr.196