Dinh độc lập

Tại khuôn viên Dinh Độc Lập hiện nay, ngày 23 tháng 2 năm 1863, Thống đốc Lagrandière đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Dinh Thống Đốc Nam Kỳ, ngày 25 tháng 9 năm 1869 công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng – nơi đây trở thành cơ quan đầu não của chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ

DINH ĐỘC LẬP
Số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1

Tại khuôn viên Dinh Độc Lập hiện nay, ngày 23 tháng 2 năm 1863, Thống đốc Lagrandière đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Dinh Thống Đốc Nam Kỳ, ngày 25 tháng 9 năm 1869 công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng – nơi đây trở thành cơ quan đầu não của chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ. Đến đầu năm 1946, nơi đây trở thành phủ Cao ủy Đông Dương. Với thất bại và sự đầu hàng của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, Chính phủ Pháp đã phải ký Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương và rút đội quân viễn chinh về nước. Năm 1955, tòa nhà từng được gọi là Dinh Thống đốc Nam Kỳ hay còn gọi Dinh Norodom, Dinh Toàn quyền Đông Dương, Phủ Cao ủy Đông Dương đã được chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản, từ đó chính thức có tên gọi Dinh Độc Lập.

Tháng 11 năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Dinh Độc Lập bị quân đảo chính đánh sập một phần, sau đó Dinh đã bị đập bỏ và xây dựng lại. Dinh Độc Lập được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, đến năm 1966 công trình cơ bản hoàn thành và trở thành cơ quan đầu não của chính phủ Việt Nam Cộng hòa - chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ.

Trên nóc Dinh Độc Lập có sân đậu trực thăng, phía dưới có hệ thống hầm ngầm kiên cố, được trang bị hệ thống điện đài và hệ thống để chỉ huy rất hiện đại. Dinh Độc Lập là nơi họp nội các của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời cũng là nơi ở của gia đình Nguyễn Văn Thiệu. Cũng chính tại nơi đây, hàng ngày, hàng giờ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhận mệnh lệnh chỉ huy và phối hợp của quan thầy Mỹ để càn quét, đánh phá khắp miền Nam nhằm chống lại cuộc chiến đấu giành lại độc lập, hòa bình thống nhất Tổ quốc của quân và dân ta.

Thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân và dân ta trên từng chiến trường trong chiến dịch Hồ Chí Minh khiến nội các của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải tan tác, mở đầu là Nguyễn Văn Thiệu đã giao cho Trần Văn Hương chức Tổng thống và chạy trốn ra nước ngoài. Trong vòng chỉ một tuần, Trần Văn Hương cũng phải tự bỏ chức và giao lại cho tướng Dương Văn Minh.

Ngày 8 tháng 4 năm 1975, người chiến sĩ cách mạng trong lòng địch Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập làm cho chính quyền và quân đội Sài Gòn hoang mang tột độ. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã đánh chiếm Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng.

Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975, tại Dinh Độc Lập đã diễn ra Hội nghị Hiệp thương thống nhất đất nước mang lại hòa bình, độc lập dân tộc – lẽ ra việc Hiệp thương thống nhất đất nước đã phải được thực hiện trước đó gần 21 năm, nếu không có sự can thiệp thô bạo của đế quốc Mỹ với việc dựng lên chính quyền tay sai thân Mỹ và đưa quân Mỹ vào xâm lược miền Nam Việt Nam.

Dinh Độc Lập có những giá trị đặc biệt, do đó đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đặc cách xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 77A/VH-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 25 tháng 6 năm 1976. Đến ngày 12 tháng 8 năm 2009, di tích lịch sử quốc gia Dinh Độc Lập đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 1272/QĐ-TTG.