Giống cá vồ

Tại huyện Cần Giờ đã phát hiện một loại hình di tích khảo cổ độc đáo là “di tích mộ chum” (mộ táng chôn người trong các chum/lu gốm lớn trong tư thế “ngồi bó gối”) niên đại vào hậu kỳ thời đại kim khí, 2500 - 2000 năm cách ngày nay

GIỒNG CÁ VỒ
Xã Long Hòa, huyện Cần Giờ

Tại huyện Cần Giờ đã phát hiện một loại hình di tích khảo cổ độc đáo là “di tích mộ chum” (mộ táng chôn người trong các chum/lu gốm lớn trong tư thế “ngồi bó gối”) niên đại vào hậu kỳ thời đại kim khí, 2500 - 2000 năm cách ngày nay. Hai di tích mộ chum đã được khai quật là Giồng Phệt (1993) và Giồng Cá Vồ (1994). Đặc biệt, tại di tích Giồng Cá Vồ đã tìm thấy hơn 300 mộ chum và một số mộ huyệt đất hầu hết còn di cốt người cổ, đồng thời mang lại một khối lượng di vật lớn gồm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày và đồ tùy táng. Những hiện vật như công cụ lao động và vũ khí bằng sắt, đồ gốm các loại, đồ trang sức bằng đá ngọc, thủy tinh, bằng vỏ ốc… đã phản ánh đời sống vật chất và tinh thần rất phong phú và đa dạng của cư dân cổ Cần Giờ.

Giồng Cá Vồ nói riêng và Cần Giờ nói chung đã từng là một khu vực cư trú và trao đổi buôn bán rất phát triển. Nhiều loại hình hiện vật ở đây cho biết mối quan hệ giao lưu với Ấn Độ và hải đảo Đông Nam Á. Sưu tập hơn 30 khuyên tai “hai đầu thú” tại Giồng Cá Vồ là sưu tập lớn nhất của di vật độc đáo này ở Đông Nam Á.

Quan trọng hơn là trong những ngôi mộ chum này tồn tại nhiều di cốt người cổ, trong đó có hàng chục Bộ di cốt còn khá nguyên vẹn. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quí báu, cho đến nay gần như là duy nhất để nghiên cứu và xác định chủ nhân sớm nhất của vùng đất này nói riêng và Nam Bộ thời tiền sử nói chung. Cũng chính vì những giá trị đặc biệt quan trọng này mà năm 1998 di tích Giồng Cá Vồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích khảo cổ quốc gia theo Quyết định số 2000/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2000.


Thành phần cá vồ
Khuyên tai hai đầu thú trên sọ người

Tìm gióng cá vồ
Khai quật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994