Miếu Thiên Hậu còn được gọi là Chùa Bà Chợ Lớn, là một trong những ngôi miếu cổ của cộng đồng người Hoa từ thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)
sang. Thành phố Quảng Châu còn có tên gọi là Tuệ Thành, nên sau này hội quán mang tên Tuệ Thành để nhắc nhớ về quê hương gốc. Chưa biết miếu được xây dựng từ năm nào, nhưng đã trải qua các lần trùng tu lớn vào các năm
1800, 1825, 1828, 1830, 1842, 1857,
1859, 1882, 1890, 1908, 1916, 1972, 1988, 1995, 1998, 2000…
Điện thờ chính trong miếu dành cho bà Thiên Hậu. Bà là người Phúc Kiến.
Theo truyền thuyết, Bà có hiếu, biết thương người, thông minh
và có tài tiên tri,
biết chữa bệnh, trừ tà…do đó, bà được người trong vùng yêu thương khâm phục… Đến năm 28 tuổi (năm 987)
bà mất, người trong vùng đã lập miếu thờ bà.
Nóc miếu được trang trí hoa văn hoa lá, hình nhân bằng gốm do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Thân
(1908). Đặc biệt, trên vách miếu còn chạm khắc nổi hình 5
con dê, biểu tượng của thành phố Quảng Châu.
Miếu được cấu trúc gồm 3 phần: tiền điện, trung điện, chính điện, thờ Thiên Hậu Thánh mẫu,
Long Mẫu Nương Nương và Kim Huê Nương Nương. Gian phụ hai bên chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân và Tài Bạch Tinh Quân.

Ngũ sự bằng pháp lam ở Hội quán Tuệ Thành
Tại miếu, người Hoa đi lễ hầu hết các ngày trong tháng. Ngoài nhóm người Hoa gốc Quảng Đông, còn có các nhóm khác và cả người Việt đến lễ bái. Đông nhất là các ngày rằm, mồng một, Thượng Nguyên (Tết Nguyên Tiêu); Trung nguyên, Hạ nguyên.
Tuệ Thành hội quán - Thiên Hậu miếu có vị trí quan trọng đối với cộng đồng người Hoa, đặc biệt là người Hoa Quảng Đông ở Chợ Lớn. Miếu Thiên Hậu là một trong những ngôi miếu được giữ gìn khá tốt, đây cũng là một danh thắng của thành phố, thu hút đông đảo du khách Hoa, Việt và người nước ngoài đến tham quan, lễ bái.
Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, miếu đều tổ chức long
trọng ngày vía bà Thiên Hậu.
Miếu được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 43-
VH/QĐ ngày 7 tháng 1 năm 1993.