HỘI QUÁN HÀ CHƯƠNG

HỘI QUÁN HÀ CHƯƠNG Số 820 đường Nguyễn Trãi, Phường 14, Quận 5 Hội quán Hà Chương hay “chùa Bà Mã Hậu” do người Hoa quê ở phủ Chương Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 18 ở chợ Sài Gòn xưa, nay thuộc khu vực Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh

Hội quán Hà Chương hay “chùa Bà Mã Hậu” do người Hoa quê ở phủ Chương Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 18 ở   chợ Sài Gòn xưa, nay thuộc khu vực Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên khuôn viên rộng hơn 1500m2, hội quán được thiết kế theo kiểu nhà “tứ hợp diện” với bốn dãy nhà vuông góc nhau và cùng hướng vào sân thiên tỉnh ở chính giữa. Chính điện nằm ở phía Bắc, nhìn ra thiên tỉnh là điện thờ bà Thiên Hậu, bà Chúa Sinh (Kim Hoa Nương Nương) và Thần Thổ Địa (Phúc Đức Chính Thần). Tiền điện, nơi đặt bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, ở phía Nam, được thiết kế hai mặt, mặt hướng ra cổng và một mặt hướng vào sân thiên tỉnh. Tả điện, ở phía Đông và hữu điện, ở phía Tây, bài trí các gian thờ Quan Âm Bồ Tát, Quan Thánh Đế Quân, Mã Tướng Quân (người chăm sóc con ngựa Xích Thố của Quan Đế) và văn phòng, phòng họp… của Ban Quản trị hội quán.

Hàng năm, hội quán Hà Chương tổ chức nhiều cuộc tế lễ long trọng. Ngày cúng tế quan trọng nhất là ngày vía bà Thiên Hậu 23 tháng 3 âm lịch. Các ngày Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng), đông đảo khách thập phương đến hội quán tạ ơn thần thánh.

Hội quán Hà Chương nổi bật giữa phố phường nhộn nhịp với dáng dấp một ngôi đền cổ, vách đá, cột đá, mái lợp ngói ống và những đầu đao cong vút. Đặc biệt, gần các đầu đao là những mô hình tòa thành, người, ngựa, rồng, phượng, hoa lá… bằng gốm men xanh. Toàn bộ kết cấu của mái ngói được đặt trên hệ thống vì kèo gỗ và bộ cột gỗ xen với cột đá. Nét độc đáo nổi bật ở hội quán là hai cặp cột đá (hai cột hiên và hai cột dưới đầu mái chính điện) được chạm trổ tinh tế uốn quanh thân cột hình cá vượt vũ môn hóa rồng và hình Bát tiên (tám vị tiên) cưỡi trên lưng rồng. Ngoài các phù điêu long mã (con vật có đầu rồng, thân mình và bốn chân ngựa), bình hoa sen, hoa mẫu đơn thì trích đoạn các tuồng tích cổ chạm nổi trên vách đá mặt tiền, hai con kỳ lân chầu bên cửa… cũng là những tác phẩm chạm khắc đá có giá trị nghệ thuật.


Chi tiết trang trí trên nóc mái Hội quán Hà Chương


Các cột đá được chạm trổ tinh tế

Khách tham quan có lẽ sẽ choáng ngợp trước những mảng trang trí bằng gỗ ở khắp nơi trong hội quán. Từ các bao lam cửa, các khám thờ chạm nhiều lớp bao lam, các mảng phù điêu trên thanh ngang, thanh chống xà gồ, trên vì kèo… đến những hoành phi, câu đối… Bên cạnh các tượng cá đang hóa rồng (mình rồng nhưng đuôi còn là cá), những con lân mang trên lưng con lân con hay quả bầu hồ lô, cuộn giấy… là các hình ảnh quen thuộc như hoa sen, hoa mẫu đơn, chim trĩ… Xen lẫn với các đề tài phổ biến quan tướng, ngựa xe, long, lân, qui, phụng, các trích đoạn tuồng, tích… là những búp măng, trái lựu, con tôm, con cá… vừa giữ được sắc thái trang nghiêm của điện thờ vừa tạo cảm giác thanh bình, trù phú.

Hội quán Hà Chương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.