Đình Minh Hương là nhà việc của xã
Minh Hương, một xã được thành lập vào năm 1698, tập hợp con cháu người Hoa ở
dinh Phiên Trấn. Năm 1805, vua Gia Long ban cho tên “Gia Thạnh đường” nên còn
có tên Minh Hương Gia Thạnh. Từ năm 1867 đình trở thành hội quán của hội Minh
Hương Gia Thạnh.
Đình được xây dựng năm 1797, trùng tu
vào các năm 1839,1873,1901 và 1962. Lần trùng tu cuối có sử dụng một số vật liệu
mới như xi măng, sắt thép, gạch men, nâng cao chính điện và xây thêm tầng lầu
phía trên chính điện.
Mặt bằng tổng thể của đình Minh Hương
Gia Thạnh gồm võ ca, chính điện, truy từ và miếu Ngũ Hành. Giữa các điện thờ có
khoảng sân thiên tỉnh.
Chính điện và truy từ được thiết kế
theo kiểu nhà rường, ba gian hai chái, mái ngói, cột gỗ. Riêng võ ca là một nếp
nhà năm gian, mái ngói, cột gỗ, vì kèo kẻ chuyền được chạm khắc tinh xảo. Chính
giữa võ ca treo bức hoành phi “Sắc tứ Thiện tục khả phong” (Tục tốt đáng khen)
do vua Tự Đức ban tặng vào năm Tự Đức thứ 17 (1864).

Chính điện đình Minh Hương Gia Thạnh
Giữa chính điện bày ba khám thờ lớn.
Khám ở giữa thờ Ngũ Thổ Tôn Thần, Ngũ Cốc Tôn Thần, Đông Trù Tư Mệnh, Bổn Cảnh
Thành Hoàng. Khám thờ bên trái thờ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh và Đô Đốc Tướng
Quân Trần Thắng Tài, là hai vị quan tướng có công lớn, được triều Nguyễn phong
là Thượng Đẳng Thần. Khám bên phải thờ hai người Minh Hương làm quan đến chức
Thượng thư là Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh, cùng với Lê Quang Định hợp thành
“Gia Định tam gia”, một nhóm ba người nổi tiếng về văn học và sử học.
Hiện
trước khám thờ thần Thành hoàng bổn cảnh còn đôi câu đối của Trịnh Hoài Đức, được
làm vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821):
MINH đồng nhật nguyệt diệu NAM thiên,
phượng chữ lân tường GIA cẩm tú
HƯƠNG mãn càn khôn hinh VIỆT địa, long
bàn hổ cứ THẠNH văn chương
(Sáng cùng vầng nhật nguyệt chiếu khắp trời
Nam, lân múa phượng bay thêm gấm vóc
Hương khắp đất trời thơm cõi Việt, rồng
chầu hổ phục thạnh văn chương)
Truy
từ là nơi thờ cúng, tưởng niệm các vị tiền bối đã có công mở mang, phát triển
xã Minh Hương.
Miếu
Ngũ Hành thờ năm bà Ngũ Hành (tượng trung cho năm yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa,
Thổ) và Chúa Sinh Nương Nương (Bà Mẹ
Thai Sinh), Phúc Đức Chính Thần (Thần Đất Đai) và Bạch Mã Thái Giám (Ngựa Thần,
được thể hiện là một con ngựa trắng).
Hiện
ở đình Minh Hương còn khá nhiều hiện vật giá trị như đại hồng chung đúc năm
1823, đại hồng chung đúc năm 1849, đỉnh gang đúc năm 1842, tấm bia lập năm 1839
ghi tên những người Minh Hương nổi tiếng làm quan dưới triều Nguyễn, các bao
lam, khám thờ cùng khá nhiều hoành phi, câu đối… có giá trị nghệ thuật.
Ngày
07 tháng 01 năm 1993, Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định số 43-VH/QĐ xếp hạng
đình Minh Hương là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.