Người thanh niên Tôn Đức Thắng sau khi học xong tiểu học tại quê (làng An Hòa, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên; nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã quyết định lên Sài Gòn vào học tại trường Cơ khí Á Châu, cùng nhiều học sinh của trường đã thực tập tại xưởng cơ khí Thủy xưởng Ba Son. Mặc dù chưa học xong khóa học của trường cơ khí Á Châu, (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng số 65 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé, quận 1), Tôn Đức Thắng và một số học sinh của trường bị bắt đi lính đưa sang Pháp. Tôn Đức Thắng làm việc ở cảng Toulon, sau đó làm thợ máy chiến hạm France, tham gia cùng các thủy thủ hạm đội phản đối chính phủ Pháp giúp quân Bạch vệ chống lại chính quyền Xô Viết – chính quyền cách mạng còn non trẻ, mới ra đời sau Cách mạng Tháng Mười Nga.

Xưởng cơ khí, ảnh chụp năm 1993
Tháng 8 năm 1920, Tôn Đức Thắng từ Pháp trở về Sài Gòn làm công nhân hãng KROFF và CIE, đã là người tổ chức, vận động thành lập Công hội đỏ đầu tiên tại Sài Gòn. Công hội đỏ đã được phát triển trong công nhân xưởng Ba Son, hãng Faci, nhà đèn Chợ Quán, đến năm 1925, số hội viên đã lên đến 300 người, do Tôn Đức Thắng là thợ máy Nhà đèn Chợ Quán làm Hội trưởng, Nguyễn Văn Côn (thợ nguội ở hãng Faci) là Hội phó, thư ký của Hội là một công nhân tên Mạnh ở Nhà đèn Chợ Quán, thủ quỹ của Hội là một người tên là Sâm – thợ điện Nhà đèn Sài Gòn.
Từ năm 1919 đến 1925, ở Sài Gòn có nhiều cuộc bãi công, trong đó cuộc bãi công ở xưởng Ba Son từ ngày 4 đến ngày 12 tháng 8 năm 1925 có tiếng vang rất lớn, được nhiều báo chí ở Sài Gòn nhắc đến. Xưởng này có hàng nghìn công nhân, số đông là thợ có tay nghề cao, là công xưởng Hải quân duy nhất của Pháp ở Đông Dương. Những người lãnh đạo Công hội đỏ đã lãnh đạo công nhân đình công nhân dịp đoàn chiến hạm của Pháp (trong đó có chiếc tàu chiến Michelt) cặp xưởng Ba Son cần sửa chữa gấp để đi Trung Quốc nhằm tăng thêm sức mạnh của Pháp ở Trung Quốc. Nhân dịp này, công nhân Ba Son đã đưa ra yêu sách, yêu cầu số thợ bị bớt đi được làm việc trở lại, tăng lương thêm 20%, ngày lãnh lương phải được nghỉ trước 30 phút như thường lệ, tức là lúc 17 giờ (thường lệ này đã bị tên kỹ sư Courtinat mới ở Pháp sang gạt bỏ, bắt công nhân phải làm hết giờ - đến 17 giờ 30 phút mới được lãnh lương). Mặc dù Thống đốc Nam kỳ đã triệu tập đại biểu của công nhân Ba Son ra lệnh đến ngày 12 tháng 8 tất cả công nhân phải trở lại làm việc, nhưng đe dọa không được, cuối cùng chúng phải nhượng bộ tăng lương 10%. Cuộc bãi công giành được thắng lợi, đồng thời còn thể hiện tinh thần quốc tế vô sản.
Cuộc bãi công của công nhân Ba Son dưới sự tổ chức và lãnh đạo của tổ chức Công hội đỏ, đứng đầu là Hội trưởng Tôn Đức Thắng là sự kiện mở đầu phong trào đấu tranh có tổ chức, có lãnh đạo trong cuộc đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn.
Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số
1034-QĐ/BT ngày 12 tháng 8 năm 1993 của Bộ Văn hóa và Thông tin.

Máy sọc S.3, đồng chí Tôn Đức Thắng sử dụng khi thực tập tại Xưởng cơ khí