Miếu Thiên Hậu được khởi dựng năm 1887. Năm 1920 miếu bị cháy. Năm 1922, miếu được Ban trị sự Quảng Đông - Sài Gòn xây dựng lại. Trước đây, miếu Thiên Hậu có Quảng Triệu hội quán, đối diện miếu là chợ Cầu Ông Lãnh nên còn gọi là “Chùa Bà cầu Ông Lãnh”.

Mặt bằng tổng thể của miếu được chia thành 3 trục: trục chính ở giữa và hai trục phụ hai bên. Ba trục kết hợp với nhau tạo thành hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc” (chữ Hán). Các thành phần kiến trúc trên trục chính gồm: hàng hiên, sân thiên tỉnh, nhà niệm, tiền điện, trung điện, chính điện. Hai trục phụ bố trí đối xứng qua trục chính; nửa trước hai trục phụ làm trường học, nửa sau để thờ cúng; phần giữa được đúc thêm một tầng lầu vào năm 1972 dùng làm văn phòng của Ban quản lý miếu.
Trên mái trục chính được trang trí nhiều tượng gốm. Mặt dựng đầu hồi của trục chính và trục phụ đều có go bờ chỉ uốn lượn hình sóng biển. Kiểu mái ngói xanh theo lối âm dương tiểu đại hay ống ngõa, cuối mái có đường diềm tráng men xanh, trang trí tượng gốm trên đỉnh và mặt dựng đầu hồ.
Bộ khung chịu lực của miếu bằng gỗ, được dựng theo kiểu chồng rường- đấu củng. Các thanh chống đứng trong bộ vì kèo được chạm khắc hoa văn. Toàn bộ công trình có 14 hàng cột, chân cột bằng đá chạm khắc kiểu chân vuông, bác giác, hoa sen.
Trong di tích miếu Thiên Hậu có nhiều hiện vật có giá trị, nổi bật nhất là 3 bộ lư (một bằng thiếc pha chì, đặt ở trung điện, trên bàn thờ Ngọc Hoàng; một bằng chì, đặt ở chính điện, trên bàn thờ Long Mẫu Nương Nương; một bằng đá trắng vân màu nâu, đặt ở chính điện, trên bàn thờ bà Thiên Hậu) và các bức tượng bằng giấy bồi (tượng bà Thiên Hậu, tượng bà Kim Hoa, tượng Long Mẫu và các tượng cô hầu).
Ngày lễ chính của miếu Thiên Hậu là lễ vía Bà 23 tháng 3 âm lịch, với các nghi thức như: tắm bà, múa lân, hát Quảng, bán đấu giá đèn lồng. Lễ vật cúng: heo quay nguyên con, gà luộc, vịt quay, bánh bò, bánh lá liễu, bánh ngọt, hoa tươi, nhang nến, giấy tiền vàng bạc. Ngoài ra còn những ngày lễ khác như cúng tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, tết Trung thu, vía bà Kim Huê (ngày 17 tháng 4 âm lịch), vía bà Long Mẫu (ngày 8 tháng 5 âm lịch), vía Quan Công (ngày 24 tháng 6 âm lịch), vía Thần Tài (ngày 22 tháng 7 âm lịch), vía Ngọc Hoàng (ngày 9 tháng 1 âm lịch).
Miếu Thiên Hậu được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 722/QĐ-BVHTT ngày 25 tháng 4 năm 1998.