Là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của Sài Gòn xưa, chùa Phước Hải có nhiều tên gọi khác nhau: người Pháp gọi là chùa Đa Kao hoặc Empereur de Jade, người Việt gọi là chùa Ngọc Hoàng, người Hoa gọi là Ngọc Hoàng Điện. Năm 1982, chùa đổi tên là chùa Phước Hải. Theo nhận xét của một học giả Pháp thì đây là “một ngôi chùa đẹp nhất ở Nam phần và thú vị nhất do các tư liệu lý thú đã mang lại về tôn giáo của người Hoa ở Đông Dương”.
Chùa Phước Hải do sư tổ Lưu Minh, người Hoa từ Trung Quốc sang xây dựng vào năm Nhâm Thìn (1892), đến năm Canh Tý (1900) chùa được xây dựng xong và khánh thành vào năm 1906. Sau đó, chùa Phước Hải được trùng tu nhiều lần vào năm 1943, 1958, 1985, 1986, 2006.
Chùa Phước Hải gồm “Ngọc Hoàng cung Thủy nguyệt cung” bên phải và “Ngọc Hư cung” bên trái. Vị thần tối cao được thờ phụng là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngoài ra, trong chùa còn thờ Phật, Bồ Tát và các vị Thần. Phía dưới điện thờ Ngọc Hoàng đặt 7 bài vị. Bài vị lớn nhất đặt ở giữa ghi hàng chữ “Ngọc Hoàng đại thiên chuyên cung cao Thượng Đế”. Các bài vị khác ghi tên một số các vị thần như Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà Tiên Sư, Tề Thiên Đại Thánh, Quan Thánh Đế Quân, Thần Nhật, Nguyệt. Gian phía trái, từ cổng chính bước vào, thờ Bà Mẹ Sanh, mẹ Đậu (Kim Huê Nương Nương) và 12 Mụ bà. Đặc biệt, chùa còn thờ “Viên đá bản xứ” tượng trưng “Ông Tà” (Neak Tà) của người Khmer ở trong ngôi miếu cổ bên hông chùa.
Ngày lễ lớn nhất trong năm là các ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch: ngày mồng 9 là ngày vía Ngọc Hoàng Thượng Đế, ta thường gọi nôm na là vía Trời; ngày mồng 10 là ngày vía Đất Đai.
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa còn là một cơ sở cách mạng do Hoà thượng Thích Vĩnh Khương tổ chức nuôi giấu cán bộ chiến sĩ từ chiến khu vào thành phố.
Chùa Phước Hải (Điện Ngọc Hoàng) có sự ảnh hưởng nhất định trong đời sống tinh thần của cả người Việt và người Hoa (không phân biệt bang nhóm nào). Du khách đến viếng chùa không chỉ là những người ở quanh vùng, mà cả người miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ cũng đến chùa chiêm bái và tế lễ.
Chùa Phước Hải được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 2754QĐ/BT ngày 15 tháng 10 năm 1994.

